Cách nấu nước dùng đa năng các món nui bánh canh hủ tiếu

Chia sẻ cách nấu nước dùng (nước lèo, nước hầm xương) đa năng cho các món nui, bún, bánh canh, hủ tiếu,... Trong video, CKK bật mí 5 mẹo rất hữu ích, giúp nước dùng trong, thơm, ngọt đậm đà.

Xem VIDEO CÁCH NẤU NƯỚC LÈO (NƯỚC DÙNG) NGON

NHỮNG MÓN NƯỚC LÈO NGON DỄ NẤU TẠI NHÀ

CÔNG THỨC NƯỚC DÙNG ĐA NĂNG

  • 800g xương ống heo
  • 2 lít nước (có thể nấu 3 lít)
  • 1 củ hành tây (100g)
  • 5 củ hành tím
  • Có thể chuẩn bị thêm: tôm khô, củ cải trắng, cà rốt, bắp

Với nước dùng, nước lèo đa năng này bạn có thể nấu bánh canh, bún, hủ tiếu, mì hoặc nui để ăn sáng, làm món tiệc đều rất ngon. Tùy theo món ăn mà bạn mua thêm các nguyên liệu khác cho phù hợp như cà rốt, giá, hẹ, bắp,...

CÁC BƯỚC NẤU NƯỚC DÙNG (NƯỚC LÈO) NGON TẠI NHÀ

- Xương mua về sơ chế sạch, ngâm nước muối rồi trụng sơ. Rửa xương lại cho thật sạch.
- Bắt nồi nước lên bếp, thả xương vào rồi bật lửa nhỏ (hoặc vừa). Không đậy nắp nồi, nấu 1h 30phút.
- Cho thêm hành tây, hành tím, tôm khô, củ cải trắng vào nấu 30 phút. Vớt hành tây, hành tím ra. Lúc này có thể nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

5 LƯU Ý KHI HẦM XƯƠNG THƠM NGỌT TRONG TẠI NHÀ

1/ CHỌN LOẠI XƯƠNG HẦM NÀO NGON NHẤT: Trong con heo, xương để nấu nước lèo, nước dùng thường chọn những loại xương sau đây: Xương ống, xương giá (bánh chè), xương sườn, xương sống, xương bắp giò, xương cổ. Đây là những loại xương chứa nhiều xương xốp, mà xương nào càng nhiều xương xốp nấu nước lèo sẽ càng ngọt.
2/ SƠ CHẾ XƯƠNG ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO? CÓ CẦN TRỤNG XƯƠNG: Khi mua xương, bạn nên nhờ người bán chặt nhỏ, NHẤT LÀ PHẦN XƯƠNG Ở CÁC KHỚP. Nếu để nguyên cả khúc xương ống khi hầm vẫn ra nước ngọt, nhưng thời gian hầm sẽ rất lâu. Khi mua xương về, bạn cần rửa xương qua vài lần nước lạnh. Sau đó, cho xương vào thau rồi đổ nước cho ngập mặt xương. Thêm vào 5g - 10g muối và 10ml giấm. Ngâm xương 15 - 20 phút.
Xương sau khi ngâm, bạn vớt ra để ráo nước. Nếu muốn nước dùng trong hơn, bạn cho xương vào nồi nước sôi hoặc đổ nước sôi vào xương để trụng từ 3 - 5 phút. Nếu cho xương vào nồi trụng thì nước dùng sẽ ít ngọt hơn là đổ nước sôi vào trụng xương. Xương sau khi trụng phải rửa lại thật sạch.
3/ NÊM GIA VỊ KHI MỚI BẮT ĐẦU HẦM XƯƠNG: Đây cũng là lỗi mà trước đây mình hay mắc phải. Khi nấu nước lèo từ xương, bất kể là xương heo, xương bò, xương gà, xương cá,... thì chỉ nên nấu nước và xương. Khâu cho gia vị nên cho vào sau cùng. Cho gia vị vào sớm chỉ làm hạn chế xương ra nước ngọt. Đặc biệt với các món nước lèo và món lẩu, bạn nên hạn chế cho nước mắm. Nước mắm nấu lâu dễ làm nước lèo bị chua.
4/ TRONG QUÁ TRÌNH NẤU NƯỚC DÙNG NÊN ĐỂ LỬA THẾ NÀO? Khi mới bắt đầu cho xương vào bạn cứ để lửa lớn cho nước nhanh sôi. Khi nước đã sôi, bạn vặn lửa nhỏ lại chỉ để mức trung bình hoặc lửa nhỏ. Để lửa lớn làm nước bốc hơi nhanh, xương chưa ra ngọt thì nước đã cạn. Nấu vậy vừa hao gas lại không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều bạn cho rằng nấu nước lèo phải đậy nắp để nước ngọt và chất dinh dưỡng không bay hơi đi. Đây là quan niệm sai lầm, việc đậy nắp chỉ khiến nước lèo đục hơn thôi.
5/ KHÔNG HỚT BỌT KHI NẤU: Trong quá trình nấu xương, dù là xương heo - bò - gà sẽ đều có bọt. Khi thấy bọt ra 1 ít, bạn nên hớt bỏ đi, đừng chờ bọt thật nhiều rồi vớt 1 lần. Bọt càng tích tụ nhiều càng làm nước lèo đục và ít thơm ngon hơn. Bọt trong quá trình nấu xương thật chất là protein có trong xương, thịt kết tủa mà ra. Bọt này thường có màu trắng, còn bọt đen thường do máu trong xương.

CÁC MÓN LẨU NGON DỄ NẤU TẠI NHÀ

Lẩu bao tử hầm tiêu xanh
Lẩu Thái
Lẩu bò sate

Nhận xét